Mùa thu năm 1997, trường THPT Văn Lang đón lễ khai giảng đầu tiên, đánh dấu một mốc quan trọng trong việc hình thành của ngôi trường mang tên nhà nước của các Vua Hùng.
Nhà giáo ưu tú Phạm Đình Đậu (nguyên Hiệu trưởng trường THPT Ba Đình nay là trường THPT Chu Văn An) và Nhà giáo ưu tú Nguyễn Tố Nga (nguyên Phó hiệu trưởng trường THPT Ba Đình) chính là 2 người đặt nền móng đầu tiên cho sự ra đời của trường THPT Văn Lang.

Những năm đầu khi mới thành lập, trường THPT Văn Lang nằm trong khuôn viên của trường Trung cấp Đường Sắt thuộc xã Thượng Thanh, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội. Trong buổi lễ khai giảng đầu tiên, trường vinh dự được đón tiếp nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười tới chia vui, chúc mừng.

Suốt hơn 50 năm nhà giáo Phạm Đình Đậu chỉ có một nghề duy nhất là nghề dạy học. Ông là một thầy giáo mẫu mực được học sinh và phụ huynh vô cùng quý mến. Giai đoạn 1973 – 1993, ông lần lượt giữ chức Hiệu phó, Hiệu trưởng trường THPT Ba Đình. Từ năm học 1993-1997 ông được đề bạt làm Hiệu trưởng trường THPT chất lượng cao Chu Văn An.

Sau khi nghỉ hưu vào năm 1997, ông được UBND TP Hà Nội tạo điều kiện cho mở trường THPT Dân Lập Văn Lang – nay là trường THPT Văn Lang. Ông chính là người thuyền trưởng đã lèo lái con tàu Văn Lang vượt qua bao thác ghềnh, dìu dắt bao lớp thế hệ học sinh trưởng thành bước ra đời.

Tuy nhiên, khi trường THPT Văn Lang bước sang tuổi 14, nhà giáo Phạm Đình Đậu đã mãi mãi chia tay chúng ta. Để lại cho tập thể giáo viên, các thế hệ học trò hình ảnh một nhà giáo đức độ, khiêm nhường, tôn trọng, chân tình với đồng nghiệp, thương yêu bao dung với học sinh, lo lắng cho sự nghiệp trồng người của nhà trường.

25 năm một chặng đường, tập thể THPT Văn Lang ngày càng vững mạnh, hiện đại và phát triển. Trường THPT Văn Lang cam kết xây dựng một hệ thống đào tạo chất lượng. Với phương pháp học tập linh hoạt, sáng tạo; một mái nhà thân thiện, môi trường hiện đại, năng động. Nhằm đảm bảo cho sự phát triển toàn diện Trí – Đức – Tài của học sinh. Hướng tới mục tiêu trở thành một trong những trường THPT ngoài công lập uy tín hàng đầu. Trở thành cái nôi đào tạo những công dân toàn cầu: Năng động, hiện đại, dám tư duy – dám hành động.

Mục tiêu giáo dục là dạy người, người học trong xã hội thì đa dạng, có học sinh tốt, có học sinh xấu, có học sinh ngoan, có học sinh hư, … chính vì vậy triết lý của chúng tôi là “Không có học sinh dốt, chỉ có những học sinh chưa ngoan”. Vì vậy xã hội đã giao cho trường một trọng trách cao cả là “GIÁO DỤC HỌC SINH” để biến từ một học sinh chưa ngoan thành một học sinh ngoan. 

Nếu đặt vào địa vị phụ huynh mà có con chưa ngoan thì phụ huynh có mong muốn như chúng tôi không? Vì vậy qua triết lý của nhà trường thì chúng tôi không ngại dạy cho những học sinh như phụ huynh vừa nói. Nên trách nhiệm của chúng tôi đối với xã hội được đặt lên hàng đầu phụ huynh ạ!